Breaking News
Loading...
Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Canh Lá Lằng - Đặc sản quê tôi

12:22 CH


Cây Lá Lằng
   Người dân  Xứ Nghệ có mấy ai mà không biết món canh lá Lằng, nhất là dân huyện Quỳnh Lưu (quê Minh Chính), món ăn từng được nếm từ thưở lọt lòng. Đến giờ, lá Lằng đã thành món đặc sản Xứ Nghệ, và có mặt khắp nơi trong nước và cả trên thế giới. Cứ ở đâu có dân Nghệ, ở đó có lá Lằng.

 Vào những ngày hè nắng nóng, gió Lào, ai đã qua vùng Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đều thích gọi một món canh rất độc đáo -  đó là canh lá Lằng. Canh lá Lằng được nấu bằng lá Lằng tươi hoặc phơi khô với tép đồng hoặc con moi (ruốc biển) phơi khô (đặc biệt là con tép đồng phơi khô), thêm 1 ít quả cà chua cỏ (còn gọi là cà kiu) sẽ được 1 loại canh ngon lành, bổ dưỡng và rất độc đáo.
     Những ai ăn lần đầu cảm thấy vị đắng, nhưng dù chỉ một lần thưởng thức đều không thể quên được hương vị đăng đắng, mùi thơm nhẹ và lạ miệng của một món canh độc đáo của vùng này. Giữa thời tiết nắng nóng, ăn canh lá Lằng vào ta cảm thấy mát, ăn ngon miệng, tiêu thực tốt. Ăn quen ta cảm thấy có cảm giác thèm ăn, tác dụng tăng sức khoẻ, yên bụng. Nhiều người ăn quen lâu ngày trở nên nghiền. Người dân quê tôi coi lá Lằng là loại thực phẩm rất quý và vị thuốc mát, giải nhiệt, chống nóng, háo khát, kích thích tiêu hóa và nhuận gan, nhuận trường, kháng viêm, chống rôm sảy, mụn nhọt….. Người dân quê tôi còn nghiện canh lá Lằng tới mức, hái thật nhiều lá về, đem thái nhỏ, phơi khô, rồi cất giữ trong lọ kín để nấu canh dần quanh năm.
 
Canh lá Lằng nấu với tép
      Cây Lằng mọc hoang trong nhiều cánh rừng miền trung, nhiều địa phương khác gọi là "cây chân chim" (vì lá xẻ thùy giống chân chim) hoặc cây "ba gạc”, nhưng cây lá Lằng và cây chân Chim khác nhau. Cây lá Lằng còn được gọi là Sâm Nam thuộc họ Nhân Sâm, cây thân gỗ, cao cỡ chừng ba bốn mét, mọc chen lấn, tán thấp trong rừng, dọc triền dốc và gần bờ khe, con suối. Loại này ít mọc tập trung, lại chen lấn vào chốn rậm rạp, nên tìm được nó không phải dễ. Kinh nghiệm người dân ngày xưa, cứ theo dấu chân con Nhím là ắt tìm thấy cây lá lằng, vì Nhím ăn rễ cây lá Lằng (vì thế nang Nhím cũng là một vị thuốc), nhưng bây giờ người dân quê tôi đã đưa giống về ươm trồng trong vườn nhà. Lá lằng có cành tỏa xòe thành tán, lá kép, mọc đối, thân lá có năm bảy khía, một cánh có năm lá chính và hai lá phụ. Cuối khía trên thân lá nó hơi nhú ra như muốn tạo gai, lá màu xanh thẩm. Mùa tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, cây lá Lằng cho lá nhiều và ngon nhất.
Lá Lằng
     Cũng chân chất như người dân quê tôi, canh lá Lằng nấu rất đơn giản. Những nguyên liệu cũng dễ kiếm và rẻ. Mấy quả cà chua cỏ (hay còn gọi là cà kiu) cùng với lá Lằng là hai vị đặc trưng. Vị đắng của lá Lằng kết hợp cái vị chua chua, thanh khiết của cà chua tạo thành một chủ vị khó quên. Vị thứ ba để làm nên bát canh độc đáo là những nguyên liệu rất dễ kiếm. Lá lằng có thể nấu với mớ tôm, mớ tép mà người dân quê có thể bắt vội ở ngoài đồng hay một mớ cá linh, cá trích cũng rất dậy mùi, với vị đắng thanh, húp vào ấm ran đầu lưỡi sau thấy ngọt nơi cổ họng, càng ăn thì cái vị ngọt càng ngấm, thanh khiết đến lạ kỳ. Còn mùi hương thì dâng lên rất khó tả. Đặc biệt ăn kèm cà pháo chấm mắm tôm không biết ăn bao nhiêu bát cơm cho phải. Nếu cầu kỳ hơn, lá Lằng sẽ được nấu với thịt rọi rim mắm tép, cuống tim, cuống họng, lòng heo ăn kèm bánh khô vừng…... thành một món ngon bổ dưỡng (Chu cha, rượu mô mà cho thấu!)
Nguyên liệu để nấu canh Lá Lằng
      Nhưng ngon và hấp dẫn nhất vẫn là Lá lằng tươi nấu với tép đồng hoặc moi khô, chan với cơm, ăn với cà muối, cá biển hoặc thịt lợn nạc kho mặn thì thật là tuyệt, bởi vì ngoài hương vị đặc trưng của Lá Lằng, còn thơm, bùi hơn và được ưa chuộng bởi công dụng thanh nhiệt, mát gan, bổ máu, giúp trị trứng đau lưng, mỏi khớp, vị mát lặn cả rôm sảy, mụn nhọt.
Canh lá Lằng nấu với Tôm
      Không chỉ là một món ăn không thể thiếu với người dân quê tôi, lá Lằng còn là một bài thuốc quý. Người dân quê tôi dùng lá lằng khô (khoảng 100g) nấu với nước (khoảng 1 – 2 lít) để uống hàng ngày như nước vối, nước chè giúp nhuận trường, kích thích tiêu hóa rất tốt, trị viêm họng mãn, chứng khô háo trong cổ và dùng để chữa say rượu nữa. Ngoài ra, còn dùng lá lằng phối hợp với lá dâu tằm, lá mía tía, củ nghệ đen tẩm rượu, rồi xào nóng để chữa gãy xương (kinh nghiệm dân gian).
     Bây giờ, ở đâu có dân Nghệ thì ở đó có lá lằng. dù ở Nam hay Bắc, nhất là "người Nghệ" ở Sài Gòn, Hà Nội hỏi có lá Lằng không, xin thưa có ngay. "Nghệ Kiều" về quê, hay khách đến thăm đều "ọt"(gói) lá Lằng đem theo để ăn và làm quà. Hay “Nghệ Kiều” ở hải ngoại như Châu Âu, Châu Mỹ, Úc …… anh nào nhận được gói lá lằng khô thì cả cộng đồng đều biết, vì được biếu lại cho một tí để thưởng thức. Mặc dù ở nơi đó họ không thiếu gì các loại thực phẩm ngon bổ dưỡng nhưng vẫn không quên được bát canh lá Lằng - đặc sản quên nhà.
     Món canh Lằng đã theo chân những người quê tôi đi khắp nơi trong nước và trên thế giới. Từ một món ăn dân dã, lá Lằng phơi khô đã trở thành một món "quà quý" mà những ai nơi "đất khách quê người" đều mong ngóng được người thân gửi biếu.
     Nhìn bát canh lá Lằng nghĩ cuộc đời có ngọt bùi thì cũng có đắng cay, phải chăng có thế thì con người ta mới “sống đậm” như vậy được!
Tình Xứ Nghệ không mau 
Nhưng bén rồi sâu lắng 
Quen Xứ Nghệ quen lâu  
Càng tình sâu nghĩa nặng.....
  
       Nếu bạn có dịp đến hoặc đi qua Quỳnh Lưu, nhớ dừng chân thưởng thức món canh Lá Lằng dân dã quê tôi nhé. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer