Như chúng ta đều biết sáu căn là: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.
Một người sống bình thường không có cột chặt sáu căn vì họ sống với ý thức, nhờ 6 căn tiếp xúc với 6 trần (hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, pháp) sẽ sinh ra 6 thức. Sáu căn luôn thay đổi làm việc và biết rõ mọi vật xung quanh, khi thì mắt thấy hình ảnh này hình ảnh kia, khi thì tai nghe âm thanh, tiếng nói, khi thì mũi ngữi được mùi hương, khi thì miệng nói rồi không nói, khi thì lưỡi nếm được vị đắng, cai, chua ngọt, khi thì tay chân hay thân thể đụng chạm với vật nào đó hay là thân thể người khác hoặc thân khi thì nhúc nhích co tay co chân, khi thì ý suy nghĩ, tư duy những gì mà 5 căn kia tiếp xúc,… Đó là cuộc sống của một người bình thường.
Còn khi ai đó cột chặt 6 căn lại thì thần kinh sẽ bị ức chế, vì lúc đó đã xáo trộn sự hoạt động bình thường của cơ thể, đặc biệt là thần kinh. Khi bị ức chế thì não sẽ kích thích phần não tưởng uẩn, làm cho tưởng thức làm việc sinh ra các ảo giác, những trạng thái thần kinh co giật hay còn gọi là bị tẩu quả nhập ma.
Cột chặt 6 căn là cột như thế nào?
- Mắt: nhìn chăm chăm vào 1 điểm, một đối tượng nào đó lâu dài. Ví dụ người tu thiền ngồi nhìn trân trân vào một điểm nào đó trên tường hay một đối tượng nào đó,…
- Tai: lỗ tai cứ dỏng lên nghe âm thanh nào đó một thời gian dài,…
- Mũi cũng vậy.
- Miệng thì đọc thần chú, tụng kinh, niệm Phật, đọc kinh liên tục một thời gian dài để cho tâm không khởi niệm, đọc đến mơ mơ màng màng, nữa tỉnh nữa ngủ…như là vô thức đọc làu làu, có thể vừa tụng kinh vừa suy nghĩ chuyện khác. Khi suy nghĩ là ý thức đang làm việc, khi vô thức tụng kinh niệm Phật là tưởng thức đang làm việc. Mê mê mơ mơ màng màng, nữa tỉnh nữa ngủ hoặc không còn biết gì nữa là đã rơi vào tưởng rồi. Người tụng kinh niệm phật là người có tưởng thức và ý thức đồng thời làm việc.
- Thân: gồm có nội và ngoại thân.
- Nội thân gồm có hơi thở. Ức chế tâm, nhiếp tâm vào hơi thở nhiều giờ thì hơi thở sẽ loạn.
- Ngoại thân thì gò bó ức chế thân ngồi kiết già, bán già hay ngồi liên tục từ 30 phút trở lên, đứng liên tục vài giờ, đi liên tục vài giờ. Hoặc cố tình giữ chặt thân cố định để không nhúc nhích, ngồi như vậy là đã cột chặt thân, sẽ dẫn đến rơi vào các trạng thái tưởng. Nên thả lỏng toàn thân, khi thân muốn nhúc nhích, co tay, co chân, ... thì cứ tự nhiên, không nên cố kềm thân. Kềm thân, cố tình giữ thân bất động là sai. Thả lỏng tự nhiên như một người bình thường ngồi chơi là đúng.
- Khi thân bị ức chế như vậy thì thần kinh cũng bị ức chế theo dẫn đến những bệnh thần kinh làm cho các cơ trong thân co giật, hay các trạng thái ảo giác của tưởng thức làm việc gọi chung là bị tẩu quả nhập ma,… Do vậy đừng ngồi thiền lâu quá 30 phút – 1 tiếng, mõi hay đau nhức chân thì nên đứng dậy đi qua lại cho cơ thể trở về trạng thái bình thường. Bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi phải hài hòa thay đổi, không nên quá chú trọng vào ngồi lâu, gò bó ức chế thân ở bất kỳ tư thế nào đều là sai.
6. Ý: ngồi thiền để ý, chú tâm, gom tâm, nhiếp tâm vào hơi thở, vào sự phình xẹp của bụng, vào các trạng thái thanh tịnh, vào trạng thái an lạc, vào trạng thái không niệm, không cho ý khởi niệm thiện niệm ác… Sự bình thường của ý là tư duy, suy nghĩ và biết nhận thức rõ mọi vật xung quanh. Chỉ tư duy những điều thiện, từ bỏ những niệm ác.
Đức Phật đã có nhắc nhở chúng ta luôn sống với ý thức, không nên để mất ý thức qua câu: "Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác". Chỉ cần mất ý thức, rơi vào tưởng thức thì đường tu của chúng ta coi như chấm dứt. "Sai một ly là đi một dặm"
Tất cả những sự gò bó ức chế thân tâm ở trên chỉ làm cho cơ thể trở nên bất bình thường, đảo lộn sự hoạt động bình thường của cơ thể, làm cho thần kinh bị căng quá sức và dẫn đến những điều tệ hại, làm mất con đường tu của người tu hành.
Tu hành như vậy chắc chắn không đem đến kết quả hay sự giải thoát nào, mà ngược lại chỉ tạo thêm nhân quả xấu sau này.
Do vậy người tu hành nên từ bỏ những cách gò bó ức chế thân tâm, sống bình thường như một người bình thường, chỉ lo xả tâm “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh và tăng trưởng thiện pháp” bằng tri kiến nhân quả. Chính tri kiến mới giúp cho tâm người tu hành trở nên thanh tịnh một cách tự nhiên hay còn gọi là tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự. Đó mới chính là mục đích chính của người tu hành.
Mục đích chính của người tu hành không phải là giữ tâm không niệm thiện, niệm ác, không phải là tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền, luyện thần chú, mà là trau dồi đạo đức nhân bản nhân quả, sống có đạo đức, không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh. Sự trau dồi đạo đức đó bằng sự hiểu biết, bằng chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Đó là 8 lớp học cần phải thông suốt, thông suốt rồi mới có tri kiến giải thoát giúp cho xả tâm triệt để. Sau khi xả tâm triệt để thì tâm trở nên toàn thiện. Tâm sống toàn thiện là tâm đang ở Tứ Niệm Xứ. Kéo dài thời gian toàn thiện này 7 ngày đêm thì sẽ có Tứ Thần Túc. Có Tứ Thần Túc rồi thì dùng Định Như Ý Túc truyền lệnh nhập 4 loại định của đạo Phật. Dùng Tuệ Như Ý Túc để quan sát về quá khứ, vị lai,…Tứ thần túc là 4 thần lực giúp cho người tu hành nhập định và phát huy tuệ. Các Định này do sự truyền lệnh của Tứ thần túc chứ không phải do ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật. Chánh Định này là do đời sống đạo đức giới luật đức hạnh mà ra. Do vậy mới có câu Định và Tuệ do Giới sanh ra.
Tóm lại chỉ cần tu sai, thì sự giải thoát sẽ không thể tìm thấy trong kiếp sống này. Còn tu đúng, không cột chặt 6 căn, chỉ sống bình thường xả tâm thì sự giải thoát sẽ thấy ngay, không phí thời gian hay hơi sức nào cả. Sự giải thoát nằm trong tay chúng ta. Chỉ cần có sự hiểu biết đúng thì sự giải thoát ở ngay trước mắt.
Những hiểu biết trên vẫn còn nhiều hạn chế, nếu bạn nào có nhiều kinh nghiệm tu tập thì xin chỉ dạy thêm.
Mời các bạn đọc bài: “Tri kiến giải thoát” và “Ngồi chơi tự nhiên” hoặc "Thiền Xả Tâm"
0 nhận xét:
Đăng nhận xét